Doanh nghiệp chưa muốn áp điều kiện nhập thiết bị cũ

Năm 2014, Bộ Khoa học & Công nghệ ban hành Thông tư 20 quy định điều kiện được nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Tuy nhiên, trước việc các doanh nghiệp cho rằng những yêu cầu của Thông tư rất khắt khe nên tháng 9/2014, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã quyết định ngừng thi hành Thông tư này và tiếp tục lấy ý kiến các thành viên thị trường để xây dựng một văn bản phù hợp hơn.

Sau gần nửa năm, dự thảo Thông tư lần 3 đã được ban hành, theo đó máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vẫn phải mới trên 80% mới được nhập khẩu, song thời gian sử dụng được nới từ 5 năm lên 10 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải cung cấp các chứng thư chứng minh các dây chuyền đó đã được thẩm định kỹ càng.

thiet-bi-1633-1426669627.jpg

Doanh nghiệp, Hiệp hội đều đề xuất nên bãi bỏ Thông tư 20.

Theo bà Trần Tuyết Nhung - Vụ phó Vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), những điều kiện này nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu vào Việt Nam các máy móc, thiết bị cũ, dây chuyền công nghệ lạc hậu, kém chất lượng, tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên vật liệu và gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Thông tư sáng nay (18/3), hầu hết các doanh nghiệp, hiệp hội vẫn chưa đồng tình với những nội dung được nêu.

Đại diện Microsoft Mobile Việt Nam cho biết năm 2014, hãng đã có chính sách chuyển nhà máy từ Hungary, Trung Quốc sang Việt Nam. Song sự ra đời của Thông tư 20 đã khiến quá trình này gặp nhiều khó khăn, bởi các máy móc này chủ yếu đã được dùng hơn 15 năm và có rất nhiều chi tiết được sản xuất ở các nước khác nhau nên khó xác định được chất lượng còn lại có đáp ứng tiêu chí 80% hay không.

"Thông tư 20 rất khó cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn chuyển máy móc sang để đầu tư tại Việt Nam", vị này nhấn mạnh.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài, Giáo sư Nguyễn Mại cho hay ông tán đồng với kinh nghiệm của Thái Lan, đó là không kiểm soát khi nhập khẩu, nếu doanh nghiệp đưa máy móc cũ vào sử dụng, vi phạm luật về môi trường, chất lượng, an toàn thì tịch thu hoặc tiêu hủy. "Doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, đảm bảo sản xuất kinh doanh, nếu không họ sẽ phải phá nhà máy đó đi. Một doanh nghiệp đưa hàng trăm triệu đôla vào đầu tư, họ đâu dại gì để nhà máy bị dỡ", ông Mại nói.

Do đó, ông khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ không cần thiết phải ban hành Thông tư 20 bởi đã có nhiều quy định cụ thể điều chỉnh việc bảo vệ môi trường, an toàn lao động, để Việt Nam không trở thành "bãi rác thải" của thế giới. Không chỉ vậy, Thông tư còn có thể gây bất cập, doanh nghiệp muốn lọt qua hải quan có thể "đút" phong bì để chứng thư giám định được chấp nhận.

"Siết quy định nhập khẩu máy móc có thể khiến nhiều nhà đầu tư rời khỏi Việt Nam, trong bối cảnh chúng ta đang có cơ hội lớn đón 34 tỷ USD dịch chuyển từ Trung Quốc", vị này nhận định.

Ông Vũ Ngọc Bảo - Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho biết toàn ngành đã nhập 6 dây chuyền cũ, trong đó một sản xuất năm 1945, 5 chiếc còn lại có tuổi đời hơn 50 năm, song đến nay các dây chuyền này vẫn đảm bảo kinh doanh có lãi, điều kiện về môi trường, lượng nước thải… "Chúng tôi không dại gì đi nhập dây chuyền hàng trăm triệu USD mà về không sử dụng được", ông Bảo phản ánh.

Do đó, ông đề xuất tốt nhất hủy Thông tư, còn nếu đã quy định thì phải định lượng cụ thể các tiêu chí thế nào là gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn lao động...

Ông Fred Burke - Trưởng nhóm Công tác Thương mại và Đầu tư của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng hiện nay các doanh nghiệp đã đủ kinh nghiệm để cân nhắc nên mua thiết bị dùng rồi hay thiết bị mới. Bản thân họ cũng có đủ khả năng đánh giá năng lực của thiết bị hơn là các tổ chức thẩm định riêng biệt. "Nỗi lo về sự thiếu hụt năng lực của các tổ chức giám định còn lo ngại hơn bởi hiện nay Việt Nam mới cho phép các tổ chức trong nước tham gia mà chưa có gợi mở nào dành cho các tổ chức nước ngoài", vị này phát biểu.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản Kawanabe Kenta nhận định "nên bỏ qua Thông tư 20". Theo ông, việc xác định dây chuyền có đáp ứng được tỷ lệ 80% hay không rất khó và cần những tiêu chí cụ thể, bởi máy móc ở Việt Nam có nhiều nguồn khác nhau và quy trình thẩm định cũng chưa rõ ràng, có thể khiến các doanh nghiệp hoang mang.

"Năm 2015 phải dồn sức tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nếu ban hành văn bản này gây cản trở thì phải gỡ bỏ", ông Bảo phát biểu.

Trước những ý kiến này, bà Trần Tuyết Nhung cho biết Bộ cũng đứng ở thế khó là vừa phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa phải ngăn chặn những dây chuyền cũ nhập vào Việt Nam. "Chính phủ đã có chỉ đạo là phải cần có Thông tư 20 nhưng làm thế nào để văn bản khả thi thì người soạn thảo phải phối hợp với các bộ ngành để đạt được điều đó", bà cho hay.

Phương Linh

Theo: www.vnexpress.net

Hãy chia sẻ với chúng tôi trên mạng xã hội:

Bình luận trao đổi

Bài viết khác

Scroll
Phản hồi của bạn