Maybach từng một thời tạo nên định nghĩa "thế nào là xe siêu sang" khi chiếch 62 đầu tiên về Việt Nam và làm nên cơn sốt năm 2007. Nhưng giờ đây, cái tên Maybach chỉ còn được gắn với Mercedes dưới sản phẩm thấp cấp hơn, Mercedes-Maybach S600, và giá chỉ bằng nửa Rolls-Royce.
Thất bại Maybach được lý giải một phần do thiết kế "quá giống Mercedes", như những chiếc S-class kéo dài, ở cả nội và ngoại thất. Tuy nhiên, đó là lý lẽ của người giàu, thậm chí rất giàu. Còn ai thường xuyên đi Toyota, Kia, Mazda hay kể cả Mercedes thì Maybach vẫn là đẳng cấp, một trải nghiệm khó có thể so sánh.
Trong làng xe hơi thế giới, người Đức nghĩ ra nhiều điều thú thú vị. Để tránh hiểu lầm hoặc xung đột văn hóa khi đặt tên xe, BMW, Audi và Mercedes nghĩ ra cách dùng bảng chữ cái và số. Một chiếc C230 thì ở Mỹ, châu Âu hay châu Á cũng đọc như nhau. Rồi A4, A6 hay 320, 525 cũng vậy. Maybach muốn liên tưởng tới "chiều dài vĩ đại" nên lấy ra làm tên. Thời còn sống, hãng này có hai dòng 57 và 62.
Chiếc 57S mà chúng tôi thử ra đời năm 2008, trải qua nhiều đời chủ và đang rao bán 550.000 USD, cái giá không còn tính là "triệu đô". Nội thất rộng mênh mông nếu so với những gì mà một chiếc Kia Forte mang lại. Giữa ghế lái và ghế phụ cảm giác xa thật xa. Xen giữa là tầng tầng lớp lớp nút và nút.
Cách bố trí quả thật giống Mercedes, như một sự phóng đại. Lý do của hãng xe Đức là để tài xế không mất công làm quen từ đầu. Điểm khác biệt chỉ là những vân gỗ quý xen kẽ, tạo nên cảm giác bóng bẩy và hiếm có. Cửa xe dày tới mức có cả hộc đựng đồ thẳng đứng, chứa đủ vài chai nước khoáng.
Từ vị trí lái có thể điều khiển rèm tự động cho ghế sau, rèm che nắng. Nút khởi động nằm ở vị trí khá lạ, ngay trên nắp cần số, giống như dòng thể thao SLR McLaren. Bấm nút, thân hình chiếc xe hơn hai tấn rung lên, giống như con thú chuyển mình. Sau tiếng nổ động cơ V12 là khoảng không im lặng hoàn toàn. Cách âm quả là cầu kỳ và tỉ mỉ. Đóng cửa Maybach như bước vào phòng cách âm của những cơ sở chuyên nghiên cứu âm thanh.
Gạt về số D, nhấc chân phanh, 57S lừ lừ đi như chiếc phản bay, không giật, không lắc. Nhấp bàn đạp ga sâu một chút, xe khựng lại trong tầm nửa giây rồi bắt nhịp chạy băng băng nhưng vẫn như...phản. Không hề có dấu hiệu rung rinh. Người Đức quan niệm một chiếc xe tăng hay giảm tốc nhanh cỡ nào thì thân vẫn phải cân bằng. Những kiểu bốc đầu nhấc đuôi chỉ dành cho phim ảnh, còn ngoài đời thực thì chỉ làm mất độ bám mà thôi.
Sự cân bằng gần tuyệt đối này nảy sinh những thái độ khác nhau: bí bách của tài xế và cảm giác thư thái ông chủ. Maybach triệt tiêu gần hết cảm hứng người lái. Việc của họ là phục vụ hàng ghế sau, nên mọi thói quen hay phong cách đều không được quan tâm. Muốn thử cảm giác dính lưng vào ghế? Khó lắm với một chiếc nặng trên 2 tấn và điều khiển điện tử để triệt tiêu lực quán tính. Xe sẽ đi theo cách nó muốn như ga lên chậm và hộp số lên số cao nhanh hơn.
Trên hộp số có hai nút chuyển chế độ C (Comfort) và S (Sport) nhưng chỉ mang ý nghĩa tượng trương. Gần như khó nhận ra khác biệt đâu là êm ái và đâu là thể thao. Vô-lăng cũng thế, đều đều, phản ứng không nhanh không chậm so với yêu cầu người lái. Thậm chí có đánh lái gấp chút thì người ngồi sau vẫn thấy bình thường.
Tính năng lái không nhiều điều để nói, còn chiều dài 5,7 m có thể khiến tài xế toát mồ hôi. Nắp ca-pô dài, che hết khoảng không phía trước nên lỡ đi vào khoảng không hẹp thì thật khổ sở, bởi chỉ cần vết xước nhỏ cũng tốn nhiều tiền cho sơn cao cấp dày tới 7 lớp. Chưa kể đây lại là màu độc ở Việt Nam.
Chuyển sang ghế sau mới thấy hết những gì Maybach làm. Chiều dài cơ sở lớn nên chân hành khách có thể duỗi hết cỡ. Trần xe gắn da lộ với 3 đồng hồ tốc độ, thời gian và nhiệt độ cho người ngồi sau. Đồng hồ tốc độ để ông chủ biết tài xế đang đi nhanh thế nào, bởi trong không gian quá rộng và bọc rèm, có thể cảm nhận tốc độ bị sai lệch. Đi 100 km/h mà không khác gì 60 km/h trên xe thường.
Hai ghế sau có thể chỉnh tư thế thoải mái, nhớ vị trí và thậm chí chỉnh cả tư thế ghế phụ trước. Giữa có tủ lạnh mini, hộc đựng ly và cụm điều chỉnh âm thanh, màn hình độc lập từng vị trí.
Dẫu êm ái, đầm và sang trọng thì Maybach vẫn chưa làm nên những giá trị "không thể lẫn" như Rolls-Royce Phantom. Tư thế ngồi, không gian nội thất cao cấp hơn S-class nhưng vẫn là chiếc sedan kéo dài. Trong khi Phantom có vị trí ghế cao, thẳng hơn hẳn với sedan truyền thống tạo cảm giác "đẳng cấp" ngay từ ánh mắt khi quan sát xung quanh.
Có lẽ vì thế mà đã lâu không có nhiều Maybach cập cảng Việt Nam, trái ngược với làn sóng Rolls-Royce. Maybach giờ đây sẽ gắn liền với Mercedes trên mẫu Mercedes-Maybach S600, có giá rẻ bằng một nửa Phantom và đang được các đại gia ưa chuộng. Có đến gấn 20% đơn hàng Mercedes-Maybach toàn cầu lại đến từ Việt Nam, con số mà Maybach chưa bao giờ nghĩ tới.
Trọng Nghiệp