Thị trường thiết bị âm thanh độ phân giải cao đang phát triển mạnh

Ra đời từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tuy nhiên khái niệm âm thanh độ phân giải cao - hi-res audio (HRA) mới chỉ được "hợp thức hóa" khi được Hiệp hội Điện tử tiêu dùng CEA cùng Hiệp hội Âm thanh Nhật bản JAS công nhận ngày 18/12/2014. Hi-res audio (High Resolution Audio) có chất lượng tái tạo âm thanh gần nhất với bản ghi trong phòng thu và có chất lượng cao hơn nguồn phát CD.

Khi Internet băng thông rộng phát triển, thị hiếu của người tiêu dùng ngày một tăng cao kéo theo những thay đổi cho ngành công nghiệp âm thanh. Nhạc số chất lượng cao được bán online qua các định dạng lossless như FLAC, ALAC, WAVE, DSD, AIFF và có tần số ở chuẩn 24-bit/96kHz và 24-bit/196kHz cho chất lượng cao hơn so với tần số chuẩn của CD ở mức 16-bit/44,1kHz. Năm 2014, trong bối cảnh có quá nhiều định dạng âm thanh đang phát triển trên thị trường, Sony là hãng điện tử đầu tiên đề xuất, sử dụng chính thức chuẩn HRA và bắt đầu đặt logo HRA trên các các sản phẩm hi-end của hãng. Ngoài Sony, một số sản phẩm của các hãng khác như Audio Technica, LG cũng bắt đầu sử dụng logo này. 

Logo bắt đầu được hợp thức hóa trên các thiết bị , đi đầu của Sony.

Logo HRA bắt đầu được nhận diện trên các thiết bị âm thanh của Sony.

Thị trường HRA khởi sắc những tháng đầu năm 2014 đánh dấu bằng những thiết bị xử lý âm thanh độ phân giải cao trình làng tại Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2014. Từ cuối năm 2014 đến đầu 2015 thị trường này mới thực sự bùng nổ bằng sự ra mắt hàng loạt sản phẩm nghe nhìn từ những thương hiệu lớn. Sản phẩm HRA hiện có trên thị trường có hàng trăm chủng loại, nhãn hàng và nằm ở phân khúc trung cấp lẫn cao cấp với các thể loại: tai nghe, loa, ampli, bộ chuyển, đầu phát, máy nghe nhạc, dụng cụ hỗ trợ..., giá từ vài triệu đến vài trăm triệu. Ở tầm trung, máy nghe nhạc Walkman ZX2 của Sony vừa ra mắt ngày 15/3 vừa qua giá 22,99 triệu đồng là một trong các sản phẩm âm thanh chất lượng cao tiêu biểu vừa chào sân. Tầm cao cấp phải kể đến máy nghe nhạc của hãng Astell&Kern giá 135 triệu đồng.

Anh Linh Nguyễn, chủ cửa hàng Gia Phúc Audio ở quận Gò Vấp (TP HCM) cho biết, tiềm năng trong thị trường mua bán thiết bị âm thanh độ phân giải cao rất lớn nhưng chỉ dành cho những người chơi thực sự đam mê và chịu đầu tư. Anh Linh cho biết, "số đông người chơi thiết bị âm thanh cao cấp đều là người trên 30 tuổi do ít có điều kiện tiếp xúc với máy tính".

Ở phân khúc khách hàng phổ thông, anh Tim, đại diện một cửa hàng thiết bị âm thanh lớn tại quận 3, TP HCM, cho biết: "Một số phụ kiện hỗ trợ nghe nhạc HRA như các bộ giải mã DAC/amp, thiết bị bổ sung tín hiệu tầm giá từ 4 đến 12 triệu đồng bán khá chạy, phổ biến nhất là từ các hãng Cayin, FIIO, Reveel, JDS, Oppo..."

Đại diện một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Giai, quận 1, TP HCM, cho biết, trong các thiết bị HRA, máy nghe nhạc vẫn là sản phẩm được người dùng trẻ ưa thích số một. Một số máy nghe nhạc cao cấp hỗ trợ nghe nhạc HRA ra mắt đầu năm 2015 rất được quan tâm, tuy sức tiêu thụ chưa cao do giá mới ra còn khá đắt. Người dùng hiện vẫn mua nhiều những dòng 2014 trở về trước. Ngoài ra tai nghe cũng được chuộng. Nhưng thương hiệu như Beats, AKG, Oppo, Sennheiser, Audio Technica, giá vào khoảng 1 triệu đến 15 triệu đồng là phổ biến nhất. Một số khách hàng lớn tuổi hiểu biết nhiều về âm thanh còn không ngần ngại đầu từ các tai nghe cao cấp từ các hãng Philips, Audio Technica tầm giá 15 đến 20 triệu đồng. Đi kèm đó là các bộ giải mã như STAX, Woo Audio có giá từ 20 đến hơn 100 triệu đồng.

Anh Khiêm, một người có 5 năm kinh nghiệm chơi âm thanh chia sẻ. "Lúc mới bắt đầu tìm tòi mình chọn Nuforce uDAC2, một loại DAC kiêm AMP để sử dụng cho laptop giá tầm 2 triệu đồng vì nó nhỏ gọn, sau khi tìm hiểu sâu, mình đã nâng cấp lên Nuforce uDAC3 rồi đến Fiio E07k để trải nghiệm". Anh cho biết, việc để có được chất lượng âm thanh tốt đến đâu còn phải tùy thuộc vào cách dùng phụ kiện bổ trợ thích hợp thế nào, chứ không nên chỉ đầu tư cho mỗi máy nghe nhạc hay tai nghe không.

"Người chơi thiết bị HRA rất nhiều, độ tuổi thì đang trẻ hóa. Ngày nay, khi những thiết bị HRA ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành, đặc biệt là đang rẻ đi thì càng có nhiều người tìm hiểu về lĩnh vực này. Các hội nhóm chơi âm thanh tổ chức offline hàng tháng, thậm chí hàng tuần để so sánh, trao đổi, cùng ngồi lại để nghe từng loại nhạc cụ trong một bản nhạc, hay ngồi hàng giờ chỉ để tỉ mẫn nghe từng tiếng bass", anh Hoàng Quân, một người làm thiết kế tâm đắc nói. "Dù vậy, chơi âm thanh không thể một sớm một chiều, không những phải có kiến thức mà còn phải 'chịu chơi' đầu tư nếu muốn theo đuổi", anh Quân đúc kết.

Thanh Viên

Theo: www.vnexpress.net

Hãy chia sẻ với chúng tôi trên mạng xã hội:

Bình luận trao đổi

Bài viết khác

Scroll
Phản hồi của bạn