Lốp xe - những điều không phải ai cũng biết

Lốp (vỏ) là một trong những bộ phận cấu thành nên chiếc xe, nó khá đơn giản, ít người để ý nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Có thể nói, những chiếc lốp nhỏ bé đó đang cõng trên lưng sự an toàn của cả gia đình bạn. Rất nhiều người sử dụng xe có quan niệm rằng lốp thì có gì là quan trọng nhỉ, khi nào cảm thấy mòn thì thay thôi.

Hầu hết chủ phương tiện đều đưa xe ra xưởng cho thợ thay và việc chọn lốp cũng thường được giao phó luôn cho thợ. Dù vậy, có một chút kiến thức cơ bản về thuật ngữ của lốp sẽ giúp tránh được tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, lốp không phù hợp với xe, hoặc với điều kiện sử dụng.

Trên thành lốp thường có rất nhiều chữ và số thể hiện kích thước và chủng loại lốp. Ví dụ, trên lốp có dòng chữ, số P215/65R17, thì chữ P là viết tắt của “Passenger Vehicle”, tức là xe con 7 chỗ trở xuống. Nếu chữ P thay bằng LT, tức là lốp dành cho xe việt dã hạng nhẹ (Light Truck). Nếu chữ P thay bằng chữ C (Commercial) đây là loại lốp chuyên dùng cho xe dịch vụ chuyển hàng thương mại hoặc những chiếc xe tải hàng nặng.

Về các con số, 215 là bề rộng của lốp tính theo đơn vị millimét, còn các số thứ hai, 65, thể hiện tỷ số giữa độ cao thành lốp với độ rộng lốp. Trong trường hợp này, thành lốp bằng 65% bề rộng 215 mm của lốp.

Chữ R là viết tắt của Radial, thể hiện kết cấu lốp có bố toả tròn, để phân biệt với loại mành chéo (Bias). Lốp Radial thường dùng cho xe con vì phù hợp với mọi loại đường, còn lốp Bias thường dùng cho xe việt dã. Về cảm giác lái và hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu, loại lốp Bias “thua” lốp Radial.

Các con số cuối cùng, 17, chỉ đường kính inch của vành. Có một điểm không thống nhất ở đây là đơn vị đo. Trong khi các kích thước của lốp trên toàn thế giới được tính bằng đơn vị hệ mét thì đường kính vành xe lại được đo bằng inch.

Khi đi mua lốp, bạn cần biết cỡ lốp của xe. Lưu ý quan trọng nhất là nên chọn cỡ lốp sát với bề rộng lốp nguyên bản của xe. Nếu bạn thay bằng lốp lớn hơn quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến các bộ phận của hệ thống treo. Việc sử dụng loại lốp nhỏ hơn sẽ không đủ chịu tải và làm giảm độ bám đường của xe, khiến hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) hoạt động kém hiệu quả. Tốt nhất là dùng đúng kích thước như nguyên bản hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tỷ lệ giữa độ cao thành lốp với độ rộng của lốp cũng rất quan trọng. Lốp có tỷ lệ này là 50 thì thành lốp thấp hơn loại 65, cho độ chính xác của hệ thống lái cao hơn, nhưng lại giảm độ êm của xe khi vào đường nhiều ổ gà. Trường hợp duy nhất nên thay đổi tỷ lệ này của lốp là vào mùa đông ở xứ lạnh, đồng thời cũng nên thay luôn đường kính vành bánh xe. Sử dụng lốp mùa đông có tỷ lệ thành lốp cao hơn sẽ giúp xe chạy êm hơn vào mùa đông.

Tuy nhiên, thành lốp cao cũng đồng nghĩa với lốp cao hơn, nên có thể không lắp vừa vào chắn bùn. Trong trường hợp này, bạn có thể thay loại vành xe nhỏ hơn một cỡ, ví dụ từ 17 xuống 16 inch, để kích thước cuả bánh xe về cơ bản vẫn như trước, nhưng xe chạy êm hơn.

Ngoài các thông tin cơ bản trên, thành lốp còn có nhiều ký hiệu khác, như tải trọng tối đa, áp suất lốp tối đa và tốc độ an toàn tối đa. Thông tin về tải trọng và áp suất khá dễ hiểu, còn tốc độ được quy ước bằng mã. Cụ thể, chữ T cho biết tốc độ tối đa cho phép của lốp là 190 km/h; chữ H tương ứng với 210 km/h; chữ V là 240 km/h; và chữ W là 270 km/h. Lốp chữ Z chưa được tiêu chuẩn hoá quốc tế mà tuỳ thuộc vào từng nhà sản xuất, nhưng ít nhất chịu được tốc độ tối đa như lốp V. Thông thường, chỉ cần lốp T là đủ để chạy trên đường cao tốc.

Độc giả Duy Tuấn
Bài viết do Lương Dũng biên tập
Liên hệ: luongdung@vnexpress.net

Theo: www.vnexpress.net

Hãy chia sẻ với chúng tôi trên mạng xã hội:

Bình luận trao đổi

Bài viết khác

Scroll
Phản hồi của bạn