Bí mật xấu xí của ngành ôtô

Theo kết quả nghiên cứu gần đây, nitơ ôxit và các loại khí thải từ ôtô, xe tải là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều ca tử vong sớm. Riêng tại Mỹ, số ca tử vong vì các loại khí thải trên có thể đạt 58.000 người mỗi năm. Bởi vậy, việc Volkswagen gian lận trong các bài kiểm tra khí thải tại Mỹ được xem là "tội lỗi" không hề nhẹ.

Hãng xe Đức thú nhận đã cài đặt phần mềm lên 11 triệu ôtô chạy bằng dầu diesel trên toàn thế giới, để vượt qua các bài kiểm tra nghiêm ngặt của Mỹ. Khi những chiếc xe này được đưa ra khỏi phòng thí nghiệm, phần mềm đó lại không kích hoạt tính năng kiểm soát khí thải, và kết quả là chúng phát tán ra lượng khí nhiều gấp 40 lần mức cho phép.

Vụ việc bại lộ khiến không chỉ bản thân Volkswagen chịu điều tiếng. Nó còn ảnh hưởng đến những hãng sản xuất ôtô và các nước khác, thậm chí là cả tương lai của nhiên liệu diesel, Economist nhận định.

VW-3-1915-1443523204.jpg

Bê bối của Volkswagen có thể là bước ngoặt cho ngành sản xuất ôtô. Ảnh: Economist

Tại Volkswagen, CEO Martin Winterkorn đã phải từ chức tuần trước. Tập đoàn cũng dành ra 6,5 tỷ euro (7,3 tỷ USD) phục vụ cho việc thu hồi và nỗ lực giành lại niềm tin khách hàng.

Giới đầu tư đang phải đối mặt với điều tồi tệ hơn nhiều, giá cổ phiếu Volkswagen đã mất hơn 30% từ lúc đó, tương đương gần 30 tỷ euro vốn hóa. Và khi cộng tất cả các khoản tiền phạt, tiền bồi thường, chi phí kiện tụng và thu hồi sản phẩm, tổng thiệt hại của Volkswagen có thể tương đương vụ nổ giàn khoan dầu Deepwater Horizon của hãng dầu khí BP. Tuy nhiên, ít nhất thì thảm họa nổ giàn khoan của BP cũng chỉ là một tai nạn. Còn vụ việc của hãng xe Đức là có chủ ý.

Với vụ bê bối của Volkswagen, Bộ Tư pháp Mỹ hoàn toàn có quyền mở một cuộc điều tra hình sự. Một số quốc gia khác, như Hàn Quốc, cũng đang bắt tay vào điều tra những vi phạm của Volkswagen. Trong khi đó, dù có rất ít người dân Trung Quốc mua ôtô chạy bằng diesel, Chính phủ nước này có thể sẽ kiện Volkswagen vì từng phóng đại số liệu tiết kiệm nhiên liệu.

Dù Winterkorn có phải chịu trách nhiệm cá nhân với vụ bê bối này hay không, từ chức cũng là việc nên làm. Trước khi trở thành CEO của Volkswagen, ông từng là một kỹ sư nổi tiếng tỷ mỉ, chi tiết trong công việc. Trọng tâm trong kế hoạch chiếm lĩnh thị trường Mỹ của Volkswagen là bán một lượng lớn các loại ôtô chạy bằng nhiên liệu sạch, từ đó vươn lên trở thành hãng xe hơi lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đại kế hoạch của Winterkorn giờ đã thành đống đổ nát.

Việc thay CEO và nộp phạt chắc chắn không phải là hậu quả cuối cùng mà Volkswagen phải đối mặt sau vụ bê bối. Các công tố viên của Mỹ đã cam kết truy cứu tận cùng trách nhiệm của các cá nhân trong vụ việc, thay vì chỉ phạt tiền. Điều này cũng giống như các vụ bê bối ngân hàng gần đây, khi những người liên quan phải ra hầu tòa sau khi đã nộp tiền bồi thường và các chi phí kiện tụng khác.

Đầu tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ từng bắt hãng xe lớn nhất Mỹ - GM nộp phạt 900 triệu USD vì không chịu thu hồi các ôtô bị hỏng bộ phận đánh lửa. Đây được cho là nguyên nhân khiến ít nhất 124 người bị thiệt mạng và 275 người bị thương trong các vụ tai nạn. Các công tố viên cho biết, lãnh đạo GM đã cố tình phớt lờ những hậu quả có thể gây chết người từ lỗi thiết bị này và đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn của người tiêu dùng. Bất ngờ là sau đó, họ lại tuyên bố GM vô tội.

Tuy nhiên, điều này đang thay đổi. Trong bài phát biểu vừa qua, quan chức Bộ Tư pháp Mỹ - bà Sally Yates Mỹ cho biết, từ nay trở đi, xử phạt các doanh nghiệp sẽ chỉ là biện pháp thứ yếu, sau  động thái truy cứu trách nhiệm hình sự và dân sự với từng cá nhân. Một doanh nghiệp bị buộc tội sẽ không còn được tín nhiệm để hợp tác với phía điều tra, trừ phi họ có thể đưa ra danh tính rõ ràng của từng lãnh đạo hoặc nhân viên có liên quan đến việc làm sai trái; đồng thời giao nộp hoặc tìm cách thu thập các bằng chứng về vai trò của những cá nhân đó trong vụ việc. Và vụ bê bối của Volkswagen là thử nghiệm đầu tiên cho quy định mới này.

Để không bị nghi ngờ là khắt khe hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, các cơ quan chính quyền Mỹ cũng sẽ truy tố một số lãnh đạo có tội của GM.

Hiện nay, những tác động từ vụ bê bối của Volkswagen đã lan rộng khắp khu vực Đại Tây Dương, làm dấy lên câu hỏi liệu các hãng ôtô khác có đang làm những việc tương tự. BMW và Mercedes - hai đối thủ lớn của Volkswagen - đều cho biết họ không gian lận. Tuy nhiên, tại châu Âu, các bài kiểm tra khí thải chỉ được coi là một trò đùa.

Theo đó, các hãng ôtô tự thực hiện thử nghiệm riêng và phía cơ quan quản lý cũng chiều lòng họ để thực hiện các động tác như tháo gương trong quá trình thử nghiệm hay tạo các vết nứt xung quanh cửa xe, cửa sổ để giảm lực cản, từ đó giảm tiêu thụ nhiên liệu. Thậm chí, các cơ quan quản lý cũng chấp nhận cho sử dụng các phần mềm như Volkswagen đã cài đặt. Đây là lý do tại sao người lái xe ở châu Âu chỉ có thể tiết kiệm được 40% nhiên liệu so với lời quảng cáo của hãng sản xuất.

Không như châu Âu, ít nhất các cơ quan quản lý Mỹ đôi khi phải thực hiện thử nghiệm riêng để kiểm chứng kết quả của các hãng sản xuất. Để thay đổi tình hình này, các cơ quan quản lý của châu Âu phải thay đổi thái độ với nhiên liệu diesel, hiện được sử dụng bởi một nửa số ôtô trên lục địa này.

Ngay cả khi các hãng đối thủ phủ nhận việc gian lận như Volkswagen, bê bối của hãng xe này vẫn đang gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành ôtô, khi họ đang nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải. Một số người lo ngại vụ bê bối của Volkswagen có thể sẽ là dấu chấm hết cho nhiên liệu diesel.

Trên thực tế, cải thiện động cơ chạy bằng xăng hoặc chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn như methane, điện hoặc điện – xăng kết hợp, vẫn là việc nằm trong khả năng của các hãng xe. Hiện nay, nhiều hãng xe cũng đang đổ hàng tỷ USD vào những loại nhiên liệu mới này, nhằm đáp ứng được mục tiêu giảm khí thải. Nếu vụ bê bối của Volkswagen là dấu chấm hết cho diesel, đây có thể lại là khởi đầu của kỷ nguyên ôtô điện.

Kim Dung

Theo: www.vnexpress.net

Hãy chia sẻ với chúng tôi trên mạng xã hội:

Bình luận trao đổi

Bài viết khác

Scroll
Phản hồi của bạn